Tuesday 23 April 2013

THƠ NGUYỄN VĂN THỨC - BẠN THƠ BỐN PHƯƠNG !!!



BẠN THƠ BỐN PHƯƠNG  
   Thơ Nguyễn Văn Thức                  

Có những tập thơ còn mới tinh , xem rất giản dị rất đơn sơ, đôi khi mộc mạc, cả đến ngôn ngữ thi ca bình dị mặc nhiên như dáng dấp đơn sơ và bình dị như chủ nó.

Thơ Nguyễn Văn Thức đọc qua cũng thế, đơn sơ bình dị như không có gì nhưng khi chúng mình chịu suy nghĩ trầm tư sẽ thấy thơ Nguyễn Văn Thức lại thị hiện một hình thái một thuật ngữ dung dị ấy để nói về một định mệnh, một thứ thân phận làm người mà hầu hết các triết nhân hiện đại phải suy tư cả cuộc đời mới ngộ được.

Tôi nói chữ ngộ đây không có một ý nghĩa hay ngôn từ của nhà Phật, ngộ đây hay nói như các nhà họa sĩ hiện đại như  Nguyễn Trung, như Nguyên Khai như Đinh Cường hay Hồ Hữu Thủ hay Phạm Cung , ngộ ở đây bao hàm tư tưởng Âu Châu hiện hữu mà các nhà triết gia hội họa mới của ta thường dùng chữ Đạt được, chứ không nói theo Phật là giác ngộ để hiểu thấu về lẽ vô thường của đạo.

Với thi ca nghệ thuật thì đạt tới cái tinh thể của vũ trụ vạn vật hay cái mà Nhân vi của con người trước cõi đời. Chỉ cần đạt tới thôi thì sự tồn tại sự thăng hoa phát triển sự sinh hóa vũ trụ vạn vật đều trong chiều hướng đó cả. 

Thơ Nguyễn Văn Thức không rơi tỏm xuống cái cõi vô thường hay hư vô chủ nghĩa. Thơ rất sinh động với một thứ linh hồn đơn độc sống , vừa điêu linh trong xã hội hiện tiền , mà lại rất phiêu hốt với cõi bờ tồn sinh vô hạn.

Phố phố Sài Gòn thơ Nguyễn Văn Thức sáng tác mới nhất, qua một thời khói lửa in dấu vết cuộc chiến loạn sâu thẳm trong tiềm thức nhà thơ. 

Với tập này ông đã bỏ hẳn những cảm xúc trước 75 và sáng tạo ý thơ mới mẻ hoàn toàn, đem linh hồn siêu thực Âu Châu của thời đệ nhị thế chiến vào tác phẩm, như nét tranh kỷ hà học của Picasso, nét vẽ trừu tượng của phong trào hội họa mới và kỹ thuật thơ cũng thế, những nét thơ gần với thơ của Jacques Prevert, của Bretom những ý thơ giao hưởng với tư tưởng hiện hữu trên thế giới. 
Thoạt đầu nhìn qua thấy đơn giản nhưng càng suy tưởng sâu xa thì thơ Nguyễn Văn Thức càng hết sức biểu tượng, xứng đáng với tranh bìa của bậc thầy hội họa trừu tượng Việt Nam là Hồ Hữu Thủ, trong cái vẻ đơn điệu lại lộng đầy những bí ẩn của một linh hồn thơ sâu sắc in hằng dấu vết thời gian và nỗi khắc khoải của đời người, cảm thông với một xã hội đang cực kỳ thay đổi đôi khi nghịch chiều với quê hương dân tộc chúng ta hôm nay

Thi hữu bốn phương xin giới thiệu vài bài thơ của Nguyễn Văn Thức sau đây mời quí bạn thưởng lãm .


Hôm qua hôm nay
Chở em đi
Trên con đường cách mạng
Nói chuyện nhiều
Nhưng không thấy em vui

Hôm qua
Hôm nay
Vẫn đi trên con đường cách mạng
Hoa nở đầy
Cũng không thấy em vui

“hoa ấy
Đâu phải hoa màu đỏ
Của tim”

“hoa ấy
Đâu phải
Hoa mang tin mừng
Của tuổi”

Một lần dừng chân trên con đường cách mạng
Xót xa
Tôi hôn lên mắt em
Hôn tận đáy linh hồn
                                    23/10/2009

Chiến tranh và góc khuất
Đã thấm đẫm vào ta
Một chút hoang vu
Một chút buồn
Một chút Hà Nội
Thiếu vắng ngày xưa

Còn Sài Gòn
Cứ mưa và nắng
Ngày tháng
Bước đi
Nhớ nhớ quên quên

Còn Huế
Đà Nẵng
Thời trai trẻ
Ta đâu quên được
“trưa hoang trống nổi dăm hồi
Của trường khép lại mất rồi người ơi”

Một chín năm tám
Thơ ta ngày ấy
Buồn quá phải không em
Buồn quá
Để rồi đi khắp bốn phương trời
Đâu có còn trở lại
Sông Hàn lần nữa
Thăm em

“tuổi thơ ngây em bé bỏng vô cùng
Tuôi thơ ngây
Chiến trnah ngun ngút cháy từng giờ”
Thời ấy buồn quá
Để rồi đi khắp bốn phương trời
Chiến trnah mịt mù khắp khắp
Khi xong
Còn chút lành lặn
Tay trắng
Ta đã mất em rồi

Cám ơn trời đất
Cho ta lành lặn
Một chút lành lặn
Đến bây giờ
Thỉnh thoảng
Vẫn đi phố phố Sài Gòn
Làm chứng nhân
Với người tình muộn
(chẳng biết nàng có yêu mình không
Hay thương hại
Một đời rũa nát
Trong chiến tranh)

Chiến tranh
Là tiếng buồn rơi
Là bao miền góc khuất
Là thất vọng
Đời đời

Em ơi
Người ta có nhìn thấy rõ chiến tranh không
Hả em
                                                                        31/5/2008


Nhập thế
Tôi chẳng còn nhớ gì
Tiếng Anh hay tiếng Pháp
Toán cộng hay toán trừ
Toán nhân hay toán chia

Tôi cũng không nhớ nổi
Mớ triết học
Âm u, gây nhiễu
Gầm thét, gầm gừ
Đấu tranh không lối thoát

Nhưng không
Tôi vẵn nhớ
Từng tên, từng mẫu tự
Của từng người con gái đã yêu tôi

Cảm ơn thượng đế
Tôi không bao giờ
Phủ nhận kiếp làm người
(dù có đôi lần
Thất vọng ê chề)

Dù dạt trôi
Trôi dạt
Tôi cũng cúi đầu
Nhận lãnh
Yêu em

Dù xác xơ
Hay tồn tại
Tôi cũng cúi đầu
Nhận lãnh
Yêu em.


 Bài tình ca
Em giơ tay vuốt tóc
Phố xá em cứ nhìn
Xanh màu xanh cây cỏ
Đẹp suốt đường em đi

Em cười tôi vu vơ
Bao tuổi rồi vẫn thế
Chỉ vận vào thân thể
Những bụi bặm mù khơi

(hãy vuốt tóc như em
Nhìn đời như gió nhẹ
Cười vui đẩy phố xá)

Bí ẩn gì xa xôi
Triết lý gì bây giờ
Em vẫn thường đứng đó
Vuốt tóc đời thơ ngây

Và rồi tôi đã hiểu
Trưa nay như trẻ lại
Về nhà quên đóng cửa
Nhịp hát bài tình ca.


Vấn nạn đêm
Ở một góc phố
Người con gái ngồi gặm ổ bánh mì điên

Ngỡ ngàng

Mùa đông đến gõ cửa từng nhà
Gió vi vu trên hàng cây
Lá rơi
Tứ tán dọc đường

Một phút giật mình
Rướm máu
Đêm chờ
Sáng mai thức giấc

Những ngổn ngang
Quên đi
Nhớ gì đêm

Khốn nạn
Một mình
                                    23/11/2009

Trang Kinh

Thiền sư
Đứng bên thềm
Nhìn xa xa
Bao nhiêu người đang mãi mê
Danh vọng, cơm áo gạo tiền
Sắc dục miên man
Nhiều khi thù hận nhau
Mất hết tình người
Thiền sư
Lặng lẽ đi vào
Mở trang kinh bát ngát
Bát ngát hư không

Ngôi chùa cổ

Ẩn mình giữa cỏ cây
Lạnh
                                    11/6/2012


Gọi tên em

Em đã từ giã tôi chưa
Hay lặng lẽ
Âm thầm đi

Tôi cũng âm thầm
Gọi khẽ
Tên em
Đầy ấp ngăn tim

Nhìn lại tôi
Lần nữa
Có điều gì vụng dại
Thời chiến tranh
Thanh niên
Đã mất quá nhiều

Nhìn lại tôi
Suốt đời thất thểu hoang mang
Cờ đâu có phất
Cho gió thổi bay bay

Xin Chúa thứ tha
Tôi lỡ có một đời
Để em có một thời
Mất niềm hy vọng

Đến bây giờ
Cuối chiều tan nát
Chẳng biết tội nghiệp cho ai

Chim trời cá nước
Xa em mất
Tôi biết đâu tìm


Sài Gòn và em

Tóc em còn xanh
Xanh lắm
Trưa Sài Gòn
Gió nắng bay bay

Lạy trời
Đừng mưa to gió lớn
Để em đi
Đẹp đẽ lối về

Anh trong nỗi nhớ
Từng ngày yêu em


Giờ tan ca

Giờ tan ca
Những công nhân
Lảo đảo
Trên phố nhỏ
Đường chiều

Giờ tan ca
Những công nhân
Tản dần vào
Những ngõ hẻm con đường

Chợ chiều
Cá mú
Rau cỏ rẻ nhất
Công nhân
Ngồi chồm hổm
Chọn mua

Bữa cơm chiều
Dọn ra
Họ nhìn nhau
Vui buồn gì
Chẳng biết
Đêm đến
Rồi cũng ngủ đi
Thăm thẳm bầu trời xa

Có gì khác không

Ngày mai những công nhân
Vẫn lảo đảo
Trên phố nhỏ
Đường chiều
                                    19/3/2010


Một trang thơ

Bao nhiêu thơ
Im chờ
Trong ngăn kéo
Héo hon

Trên mặt bàn
Buổi sáng
Chiếc muỗng
Khuấy ly cà phê
Leng keng
Tiếng kèn đồng
Của nhà ai cuối phố
Rúc lên
Một nhịp buồn
Đưa tiễn
Một trang thơ dang dở
Bên ly cà phê
Mù mờ

Mưa ngoài trời
Mưa.


Chú ý:
Đọc thơ Phố Phố Sài Gòn hãy liên tưởng đến các thi sĩ siêu thực Âu Châu như Jacques Prevert hay Andre Breton, hay Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền
                                                                                                            Trần Tuấn Kiệt .


No comments:

Post a Comment