Tuesday 23 April 2013

NHÀ THƠ THU NGUYỆT - THI HỮU BỐN PHƯƠNG !!!



Thi hữu bốn phương
Nhà thơ Thu Nguyệt
Tiểu sử tác giả:
Tên thật là Nguyễn Thị Thu Nguyệt, sinh ngày 02-08-1963
Quê quán:  Cao Lãnh – Đồng Tháp

Tác phẩm đã xuất bản:
Điều Thật (thơ) 1992
Ngộ (thơ) 1997
Cõi lạ (thơ) 2000
Hoa cỏ bên đường (thơ) 2002
Theo mùa (thơ) 2006
Đã chiếm nhiều giải thưởng

Thi hữu bốn phương: Thu Nguyệt
Thơ Thu Nguyệt bình dị như lời một cô giáo dạy học ở trường làng. Nhưng trong thơ ngỗn ngang tâm sự, và bình thản một cách lạnh lùng trước mọi đau thương hữu hạn của trần thế, của gia đình nỗi bất hạnh ghê gớm đã xảy ra quá nhiều đối với một tâm hồn trong sáng như mặt trời mọc giữa buổi bình minh. Bất hạnh lớn nhất là thiếu hình bóng mẹ của tuổi ấu thơ bất hạnh lớn thứ nhì là tang chồng ở tuổi còn thanh xuân. Đó như là những điều tạo hóa thử thách một con người trong trắng, ngây thơ và đẹp như một giấc mơ .

Viên Linh viết về Trần Tuấn Kiệt một mình một trường phái Cửu Long nhưng hợp lẽ hợp tình đối với Thu Nguyệt hơn
Thế giới tinh thần quá phong nhiêu, tiếng thơ quá chắc lộc và thơm tho như cái bánh bột lọc của quê nhà.

Thi phẩm Ngộ và Điều Thật không dễ cho ta tóm gọn và phê phán bởi nó dàn trải tâm tư cùng vùng đất Cửu Long Giang vô bờ vô bến. 

Ngộ đây cũng không phải là Ngộ theo nhà Phật, Khi mà nhà thơ đã đạt tới cái đỉnh của nghệ thuật thi ca thế giới khi nhắc tới WhitMan và nương theo tập lá cỏ đến cái tinh thể bát ngát tuyệt vời của tâm tình con người với thế giới và cùng song hành với vạn vật nói như Whitman, ta có quyền yêu tất cả những người trong thế gian này riêng với ý đó tôi xin tỏ tình yêu quí trân trọng đối với nhà thơ Thu Nguyệt. 

Người thiếu phụ như lúc nào cũng thanh tân, cũng cao quí và bình thản trước mọi bất hạnh cam go của đời mình chứng thực bằng những bài thơ viết về quê hương mình, về sự nổi chìm trên bến Cửu Long Giang mà ngoài Thu Nguyệt ra chưa dễ gì ai đã làm được
                                                                        Trần Tuấn Kiệt
Trích thơ Thu Nguyệt:

Cội nguồn
Chiều tết ba mươi chải đầu mang guốc
Mỗi năm ba tôi làm việc ấy một lần
Vài sợi pha sương, da dầy hơn đất
Cần gì lược chải đầu, cần gì guốc cho chân.

Bước mạnh, nói to, mỗi năm có một lần
Ba nhẹ gót lầm rầm khấn vái
Tôi khép nép nhìn người đứng lạy
Cảm thấy mình sợ hãi trước tổ tiên.

Ôi cái điều thiêng liêng
Tôi cứ ngỡ không còn trong tôi nữa
Cuộc sống quay nổi chìm lành vỡ
Tưởng đời ta như ngọn gió không nguồn

Chiều ba mươi này bất chợt khói hương
Mùi nhắc nhỡ cội nguồn…
Tôi khóc!
Giọt nước mắt tan mát vào nền đất
Ba tôi cúng xong rồi
                                    bỏ guốc
                                                vuốt tay trơn.

Hoài bão
Làng quê tôi nép bên bờ câu hát
Mượn chén ăn cơm lắc lẽo gập ghềnh
Nếu ai có một làng quê như vậy
Thì suốt đời không thể nào quên

Lục bình buồn trôi xuống trôi lên
Hoa tím vướng mái dầm vội vã
Người quê tôi không ai gì yếu cả
Mắt nhắm rồi đất còn đọng móng tay

Ngày tháng quê tôi không rộng không dài
Nỗi tất bật rộng dài hơn ngày tháng
Già tóc màu mây, trẻ tóc màu nắng
Đồng lúa quê tôi theo mùa cứ xanh rờn

Ba tôi xuống đời không thích ngắm gì hơn
Đồng lúa chín tôi lớn dễ dàng như cỏ
Lúc hát vẫn là “bắt nhái cặm câu”…

Thế nhưng dù đi đâu về đâu
Tôi vẫn nhớ như in mùi đất ướt
Dáng ba tôi ngồi be bờ tát nước
Cuối tháng mười cơn gió bấc se se.

Gió bấc đi rồi gió bấc lại về
Câu chúc tết năm này như năm trước
Tôi loay hoay với nỗi niềm, mong ước.
Quê ngày mai nên khác với bây giờ?

Điều thật
Mùa xuân về bạn lại ra đi
Một chút lạnh vo tròn trong nắng ấm
Xe đã hút con đường xa thẳm
Hạt bụi còn trong mắt trong theo

Hai miền quê một mảnh đất nghèo
Con ốc con cua niềm vui tuổi nhỏ
Hái những chùm sao gài trong đáy giỏ
Cột tia nắng trời trong ngọn cỏ trâu ăn

Những mơ ước lớn lao, những qui luật vĩnh hằng
Giành giật đời ta – mặt trời đầy giỏ
Rồi tất cả chỉ là ngọn cỏ
Chỉ để trâu ăn không thể cột mặt trời.

Tất cả rồi sẽ xa hút nhỏ nhoi
Chỉ hạt bụi trong mắt ta là lớn
Bạn lần nữa ra đi, mùa vô tình đến sớm
Mình rao bán nỗi buồn không đủ để mình mua.

Áo trắng
Một thời niên thiếu đi qua
Một thời trắng áo hai tà mộng mơ
Áo ngày xưa áo bây giờ
Cổng trường nay, cổng trường xưa nhập nhòa.

Một thời con gái đi qua
Giờ nhìn theo bước em mà nhói tim
Dõi sau áo trắng cố tìm
Dáng mình cái thuở vai mềm mắt nai…

Rắc theo những bước áo dài
Những vần thơ bước ra ngoài thời gian
Ta ngồi mơ gió lang thang
Thổi ta vào lớp xếp hàng bên em.

Gởi anh
Em ngồi hóa đá thành thơ
Trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu…

Em ngồi hóa đá thành chiều
Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa…

Em ngồi hóa đá thành mưa
Trả anh cái phút anh đưa qua cầu…

Xa nào anh có hay đâu
Đá từ lúc ấy bắt đầu hóa em!!!

Vòm tre
Thị thành điếc đặc khói xe
Trưa nay ngồi dưới vòm tre quê mình

Quá cưng…
                        Chú nhện trên cành
Quá thương…
                        Mắt chú chim rình ngó ta
Chời ơi ngọn gió quê nhà
Mắt từ kiếp trước mắt qua kiếp này
Nhẹ nhàng lá rụng trên vai
Dịu dàng thanh thản hai tay ắp đầy.

Đi đầu rồi cũng về đây
Dưới vòm tre thấy tháng ngày nhẹ bâng
Không muộn phiền. Chẳng băn khoăn
Tóc buông, áo bỏ ngoài quần, chân không
Nghêu ngao hát với ruộng đồng
Không không, sắc sắc, không không
                                                            Tắng tằng…!
Nhân gian ơi có biết rằng
Thế gian đâu cũng chẳng bằng nơi đây

Bến lở
Quê mình không bể không dâu
Sông sâu nước chảy thành câu lỡ bồi.

Nước trôi mang đất đi rồi
Phù sa vun bón đắp bồi nơi đâu
Để lại đây tiếng ví dầu
ầu ơ sào ngắn sông sâu khó dò.

Xa thêm hai bến con đò
Không còn lối cũ in mờ dấu chân
Đến thiêng như miếu thổ thần
Khói hương cũng đã hòa thân giữa dòng

Rộng bao nhiêu vẫn là sông
Biển khơi chớ có đèo bòng hóa thân
Thị thành dù giáp dấu chân
Nằm mơ vẫn mớ lời dân miệt đồng.

Ta về nơi cũ sang sông
Đò xưa bến mới phập phồng sóng xô
Người xưa vắng tự bao giờ
Lối xưa giờ lục bình hờ hững trôi.

Bến xưa lỡ mất đi rồi…

Mẹ trẻ
Ngày mẹ mất bông cà na rụng trắng
Hoa như mưa nhòe nhoẹt rối tơi bời
Trăng nắm đất con lắp từ biệt mẹ
Có rất nhiều những cánh hoa rơi

Hoa cũng như đời mẹ, mẹ ơi!
Nở lặng lẽ và rơi lặng lẽ
Cô đơn nào hơn những người mẹ trẻ
Con chưa đủ lớn khôn để chia sẻ vui buồn

Giọng ru buồn len lén hoàng hơn
Ba mươi năm sau đời con mới hiểu
Nỗi cô đơn mẹ âm thầm gánh chịu
Nhiều như bông cỏ dại quê mình

Con cười bên những đứa con xinh
Nghe nước mắt chảy vào trong lặng lẽ
Bông cà na vẫn trắng tinh như thế
Nỗi cô đơn vùi xuống đất muôn đời.

Ngắm con khờ con thầm gọi mẹ ơi
Mua tí tách ngoài thềm như tiếng vọng
Nhìn lên vách con khóc cùng với bóng
Mẹ bây giờ mới hiểu mẹ ngày xưa

Thoáng hạ
Mùa hạ đến hằng năm không trễ hẹn
Chỉ có ta lấn bấn cuối xuân thừa
Ép vào vở giúp con cành phượng đỏ
Bỗng ngỡ ngàng nhớ điếng cổng trường xưa

Xe nước mía bóng mẹ trùm mát rượi
Trái xoài xanh chấm muối đập vô tường
Bài toán học bỏ quên thành cửa sổ
Gió thổi vèo cuốn lịch sử theo luôn!

Rồi tiếng trống cuối cùng năm học cuối
Đánh chúng ta văng tứ tán giữa đời
Quay tất bật giữa bốn mùa sinh kế
Thoáng hạ về nhìn phượng… bỗng xa xôi.

Còn ít phượng thừa ta ép cho tôi
Con bướm nhỏ mất vòi, lệch cánh
Đặt vào ví bên những tờ tiền lạnh
Mùa hạ nát nhàu, bầm đỏ xác thời gian.

Nhạn gió
Anh chỉ cho em
                        Giữa đồng cánh nhạn
Lẻ loi bay
            Như chiếc lá rời cành
Em lặng lẽ soi bóng mình
                                    Mặt nước
Chỉ bóng mình, dù bên cạnh có anh.

Cánh nhạn chiều bay quẩn bay quanh
Em quanh quẩn lục tìm kỷ niệm
Nhạn bay lẩn vào hoàng hôn tím
Em một mình tựa vào gió lang thang.

Nước dưới chân chảy chẳng vội vàng
Anh bên cạnh mơ màng hư thực
Gió vẫn thổi như ngàn thuở trước
Chiều qua rồi, nhạn khuất…
                                                Lẻ loi em

Em lặng thầm soi bóng gương đêm
Nghe mỏng mảnh hơi thở mình nhẹ lắm
Nghe tiếng nhịp trái tim từ sâu thẳm
Vọng lẫn vào tiếng nhạn
                                    Chập chờn bay.

Huyền thoại dã tràng
Có một lần em nằm mơ thấy biển
Lùi ra xa nhường bãi cát ta ngồi
Anh biến mất bất ngờ như lúc đến
Bãi cát mịt mù giọt nước mắt em rơi

Hai chú dã tràng trên cát nhỏ nhoi
Cứ xe cát theo hình giọt lệ
Biển ào ạt mênh mông đến thế
Vẫn không quên một viên cát nhỏ mềm.

Rủ sạch mình, em bước qua đêm
Vo viên giấc mơ ném vào ngọn sóng
Nhón gót đi giữa biển đời sâu rộng
Xe cát hai hàng giọt nước mắt sau chân.

Sợi hoa
Năm xưa dưới gốc tràm này
Anh rung hoa rụng rơi đầy tóc em
Rồi đùa: giống tóc bà tiên
Sợi đen sợi trắng hồn nhiên ta cười

Bây giờ anh đã xa rồi
Về thăm gốc cũ em cười dưới hoa
Gió từ xưa thổi từ xa
Mà hoa vẫn cứ là hoa trên cành

Mà thôi cần nữa chi anh
Tóc em giờ cũng sắp thành bà tiên
Có điều chẳng thể hồn nhiên
Khi nhìn sợi bạc…
                        Đành…”kiên nhẫn” cười!

Phù phiếm
Em chăm chút lược và gương
Cầu cho mình chút phấn hương trang dài

Giật mình nghe tiếng bàn tay
Nhắc thầm thuở tóc dính đầy rơm khô

Kiếp béo con bị sóng xô
Trách chi em giữa trận đồ nhân gian.

Vai đời
Em ngồi trang điểm trước gương
Cố che bao nỗi đời thường xốn xang.

Này môi này mắt đoan trang
Mẹ cha sinh tạo mùa màng dưỡng nuôi
Đây nơi nước mắt nụ cười
Cái nhìn dịu ngọt, những lời đắng cay

Nhẹ nhàng khéo léo bàn tay
Chỉn chu xóa vết tháng ngày nông sâu
Tóc lâm râm bạc trên đầu
Thời gian vó ngựa qua cầu phấn son.

Em ngồi trang điểm trước gương
Cố che bao nỗi đời thường quẩn quanh
Má hồng
            Môi đỏ
                        Mong manh…

Trường ca cho cỏ
*lời mở đầu
Xin phép ngài Walt Whitman
Viết đôi dòng về cỏ.

I.
Lúc ta chưa có trên có trên mặt đất
Cỏ đã vươn chồi khắp thế gian.
Ông cha vỡ đất khai hoang
Cỏ chết đi một nửa

II.
Tôi, một thời tuổi nhỏ
Chăn trâu.
Nửa còn lại trâu ăn một nửa.
Thành phố mọc lên san sát nhà cửa
Cỏ không còn chỗ mọc
Đành gom về trên mộ ông tôi.
Người ta phát hiện ra rằng cỏ một thời
Ông tôi là dũng sĩ.
Phần thưởng truy lãnh cho người cao quí
Ngôi mộ bằng xi măng.
Vậy là không còn đất dung thân
Cỏ!!!

Cuối
Tôi có một ước mơ không nhỏ
Được như người – Whitman
-Chẳng xin bia đá bia vàng
Xin một nấm mộ trần
Để dành cho cỏ mọc.

Ngộ II
Ta đi nghễu nghến giữa đời
Bỗng dưng một tiếng chuông rơi…
                                                            Giật mình.
Cổng chùa ta đứng lặng thinh
Nghe hoàng hôn với bình minh nhập nhằng.

Nếu ta đến được niết bàn
Rồi thì sao nữa? Bần thần ngửa tay:
Một,hai,ba,bốn,năm này
Sáu,bảy,tám,chín,mười… ai cũng mười

Ta đi nghễu ngến giữa đời
Bỗng nghe một tiếng chuông rơi…
                                                Bực mình.!

No comments:

Post a Comment