Friday, 8 March 2013

TRÁNH ĐỂ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG QUÁ NÓNG !!!



Tránh để tranh chấp Biển Đông 'quá nóng'

Một đề đốc của Anh Quốc kêu gọi cách tiếp cận đa phương để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhằm tránh xung đột vũ trang.
Trả lời BBC tiếng Việt bên lề Diễn đàn Đông Nam Á hôm 5/3 tại London, Đề đốc Christopher Parry từ Học viện Quốc phòng Anh Quốc nói tranh chấp tại Biển Đông chỉ là một trong số các tranh chấp về chủ quyền trên thế giới.
''Điều quan trọng là các tổ chức quốc tế phải chủ động tham gia sao để giải quyết cho được các tranh chấp này trước khi nó trở nên quá nóng và tránh để tình huống các bên muốn giải quyết tranh chấp bằng xung đột vũ trang.
''Và cách giải quyết duy nhất là sử dụng cách tiếp cận đa phương, mang vào đó quyền hạn và trách nhiệm của tất cả các bên, dựa trên sự công bằng. Chúng ta có các hệ thống luật pháp tốt trong cộng đồng quốc tế và chúng ta nên sử dụng những hệ thống đó'', ông Parry nói thêm.
Anh Quốc hiện đang tăng cường trao đổi mậu dịch và đầu tư với các nước tại Đông Nam Á trong đó có khối Asean.
'Phương hại mậu dịch'

"Căng thẳng tại tuyến đường biển, ở châu Á chẳng hạn, có tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư và có thể làm phương hại tới mậu dịch"
Hugo Swire, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh
Trong bài diễn văn đọc tại Đại Sứ quán Việt Nam ở London, nơi khai mạc diễn đàn với sự tham gia của các nhà ngoại giao Asean và Anh Quốc cùng giới học giả tại Anh, ông Hugo Swire, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh khẳng định điều ông gọi là ''Tăng trưởng kinh tế bền vững chỉ có thể được thực hiện một cách thuận lợi trong môi trường được ổn định và đảm bảo về an ninh''.
''Căng thẳng tại tuyến đường biển, ở châu Á chẳng hạn, có tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư và có thể làm phương hại tới mậu dịch.
''Với khoảng phân nửa lượng hàng hóa của thế giới được di chuyển qua Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), những gì đang diễn ra đều khiến những nơi khác ở cả ngoài khu vực này để mắt tới. Do đó điều quan trọng là các bên liên quan giải quyết bất đồng một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế'', ông Hugo Swire, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh nói.
Mới đây Philippines đã mang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông ra cho tòa quốc tế phân xử trong bối cảnh Bắc Kinh từ chối tham gia.
Đại sứ Philippines tại Anh, ông Enrique Manalo, nói với BBC Việt ngữ rằng ''Chúng tôi mời Trung Quốc tham gia vào phiên tòa trọng tài và họ đã từ chối.
''Do đó Philippines vẫn triển khai. Hy vọng Trung Quốc sẽ cân nhắc lại nhưng Philippines vẫn tiến hành những gì chúng tôi đã quyết định''.

"Hy vọng Trung Quốc sẽ cân nhắc lại nhưng Philippines vẫn tiến hành những gì chúng tôi đã quyết định"
Enrique Manalo (phải), Đại sứ Philippines tại Anh
Trả lời BBC Việt ngữ, ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc, nói rằng căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông cũng chỉ là một trong số các chủ đề được thảo luận tại diễn đàn này.
''Đây không phải là chủ đề chính của buổi thảo luận này nên các vị khách cũng chỉ trao đổi trong một thời gian ngắn thôi.
''Thông điệp chính từ Quốc Vụ khanh Anh Quốc cũng như những người tham gia diễn đàn này là an ninh hòa bình ổn định tại Biển Đông không phải là vấn đề của riêng ai mà có ảnh hưởng đến tất cả các bên liên quan và rằng tranh chấp tại Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.
''Điều mà tôi hết sức tâm đắc là sự quan tâm của tất cả các giới bao gồm chính trị gia, kinh tế gia, giới học thuật. Họ tỏ ra rất quan tâm tới diễn đàn theo mô hình này trong bối cảnh Anh Quốc ngày càng đặt Asean trong trọng tâm của chính sách đối ngoại của họ'', Đại sứ Minh nói thêm.
Diễn đàn Đông Nam Á, được tổ chức ba tháng một lần ở London, là sản phẩm của khuôn khổ hợp tác Anh Quốc - Asean với thành viên của diễn đàn bao gồm các nhà ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu tại các viện và một số trường trường đại học trong đó có Oxford University, một trong các bên có cùng sáng kiến lập ra diễn đàn này.

No comments:

Post a Comment